Mụn cơ thể là một trong những bệnh lý da phổ biến, thường gặp ở tuổi dậy thì và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Việc điều trị mụn không hề dễ dàng bởi mụn có nhiều loại với nguyên nhân và cơ chế hình thành khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân loại và hiểu về cơ chế hình thành mụn cơ thể một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ!
Mụn cơ thể là gì?
Mụn trứng cá là một bệnh lý trên da xảy ra khi nang lông bị bít kín bởi tế bào chết, dầu và chất nhờn được tiết ra từ các tuyến nhờn dưới da. Các vi khuẩn trên da cũng có thể góp phần vào việc làm bít tắc nang lông và gây viêm dẫn đến tình trạng sưng đỏ tại các nốt mụn.
Tuy nhiên chúng cũng có thể xuất hiện ở lưng, cổ, ngực, vai, cánh tay,… Mụn cơ thể không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tuy nhiên nếu không được điều trị có thể gây tổn thương da và để lại sẹo.
Cơ chế gây mụn cơ thể
Mụn cơ thể được hình thành dưới sự tác động của 4 giai đoạn chính là: tăng tiết bã nhờn, bít tắc chân lông, sự phát triển của vi khuẩn P.acnes và giai đoạn viêm.
- Giai đoạn 1: Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, tiết nhiều dầu thừa kết hợp cùng tế bào chết và bụi bẩn hàng ngày tạo nút thắt cổ chai khiến dầu và bã nhờn bên trong không thể thoát ra ngoài được.
- Giai đoạn 2: Các chất này tích tụ lâu ngày bên trong lỗ chân lông gây bít tắc, phình hoặc mở lỗ chân lông sinh ra mụn (đầu đen, đầu trắng).
- Giai đoạn 3: Lỗ chân lông bít tắc kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn P.acnes hoạt động mạnh, sinh sôi và nảy nở. P.acnes là một vi khuẩn kỵ khí, có sẵn trên da, có khả năng tiêu thụ bã nhờn và phát triển mạnh mẽ khi lỗ chân lông bị bít tắc, hàm lượng oxy trong da thấp. Khi phát hiện vi khuẩn tấn công, da có cơ chế tự bảo vệ bằng cách huy động bạch cầu đến vị trí nhiễm khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn, kích hoạt phản ứng viêm gây sưng, đỏ, đau. Trong quá trình tự vệ này, các tế bào bạch cầu, vi khuẩn và tế bào da chết có thể tích tụ hình thành mủ. Kết quả là các mụn viêm như mụn sẩn, mụn mủ, mụn bọc, mụn nang.
- Giai đoạn 4: Tình trạng viêm nặng khiến cấu trúc nang lông và tuyến bã bị phá hủy, để lại các vết thâm và sẹo khó mờ.
Cơ chế hình thành mụn cơ thể
Phân biệt các loại mụn cơ thể
Mụn cơ thể có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào biểu hiện, nguyên nhân, cơ chế gây mụn. Để dễ nhớ, chúng ta sẽ chia ra làm hai loại chính là mụn viêm và mụn không viêm
Mụn không viêm
- Mụn đầu đen – các nốt mụn màu đen hoặc vàng nhạt trên bề mặt da, nhân mụn cứng, thường xuất hiện ở vùng chữ T hai bên cánh mũi, đầu mũi và hai bên má. Mụn hình thành do bụi bẩn, tế bào chết và dầu nhờn bít tắc lỗ chân lông, khiến lỗ chân lông mở to, phần nhân mụn tiếp xúc với môi trường và bị oxy hóa biến thành màu đen.
- Mụn đầu trắng – tương tự như mụn đầu đen, tuy nhiên lỗ chân lông không mở ra mà chỉ bị bít tắc. Nhân mụn nằm trong lỗ chân lông, bề mặt được bao phủ bởi một lớp màng mỏng không tiếp xúc với không khí nên vẫn có màu trắng.
Mụn viêm
Tình trạng bít tắc nang lông có thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn P.acnes phát triển gây viêm với các biểu hiện như sưng, đỏ, đau nhức hoặc có mủ. Tùy vào mức độ viêm, mụn viêm có thể được chia thành các loại khác nhau.
- Mụn sẩn – là loại mụn phát triển khi mụn đầu đen hoặc đầu trắng bị viêm tạo các nốt mụn đỏ hoặc hồng trên da, hơi sưng và có thể đau khi chạm vào.
- Mụn mủ – tương tư như mụn sẩn, tuy nhiên mụn có chấm màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng ở trung tâm chứa mủ từ quá trình viêm, xung quanh là sưng đỏ, đau.
- Mụn bọc – nốt mụn lớn, cứng, đỏ nổi trên bề mặt da. Phần nhân mụn không nhìn thấy mà nằm sâu dưới da và gây đau nhức.
- Mụn nang – là thể mụn nghiêm trọng nhất, mụn sưng to, đau, phần nhân nằm sâu và chứa đầy mủ. Mụn nang gây tổn thương nhiều tầng của da và có nguy cơ cao để lại sẹo vĩnh viễn.
Mụn nang
Sơ đồ hình thành mụn cơ thể
Cách ngăn ngừa mụn cơ thể
Qua đây, bất cứ loại mụn nào cũng bắt nguồn từ việc bít tắc lỗ chân lông do bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết,… Vì vậy, để phòng tránh và điều trị mụn, yếu tố quan trọng nhất chính là vệ sinh da đúng cách. Đồng thời, có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, uống đủ nước,… để giảm tình trạng tăng tiết chất nhờn. Trong trường hợp đã xuất hiện tình trạng viêm, nhiễm khuẩn, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở da liễu để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Không nên tự ý dùng thuốc hoặc nặn mụn trong những trường hợp này để tránh các tác dụng không mong muốn.